Cách điền mục Thành phần gia đình trong Sơ yếu lý lịch
Được viết bởi Nguyen Phuc Nguyen Le, Tác giả • Cập nhật lần cuối vào 5 tháng 5 năm 2025

Hướng dẫn chi tiết cách điền thông tin Thành phần gia đình trong Sơ yếu lý lịch

Bạn đã trau chuốt CV xin việc của mình, nhưng vẫn còn một mục khiến bạn băn khoăn: thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch. Đây là một yếu tố khá đặc trưng trong hồ sơ xin việc tại Việt Nam, đôi khi gây khó hiểu không chỉ cho người nước ngoài mà còn cho cả ứng viên người Việt, đặc biệt khi nộp hồ sơ vào các cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp có yếu tố nhà nước. Bài viết này sẽ giúp hiểu rõ hơn thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch, về ý nghĩa và cách để tự tin hoàn thiện mục này mà không cần chỉnh sửa.

Tạo CV

1. Thành phần gia đình trong Sơ yếu lý lịch là gì?

Thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch (ngắn gọn là "thông tin gia đình" hoặc theo cách gọi đã dần trở nên ít phổ biến hơn là “xuất thân”) là phần thông tin về các thành viên ruột thịt trong gia đình của ứng viên, bao gồm bố, mẹ, anh chị em ruột nếu có, vợ hoặc chồng và con cái nếu có. Mục này có thể bao gồm tất cả hoặc một số thông tin: họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, nơi công tác, nơi ở hiện tại của từng thành viên. Cùng với Giáo dục, đây là một mục quan trọng thường thấy.

Vậy lý do có mục này trong CV xin việc là gì? Đây là một thủ tục hành chính cần thiết trong một số bối cảnh tuyển dụng cụ thể tại Việt Nam. Yêu cầu này bắt nguồn từ các quy định về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống hành chính và các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam theo cách vận hành truyền thống. Thông tin gia đình được xem là một phần của quy trình thẩm tra lý lịch, đặc biệt quan trọng đối với các vị trí trong cơ quan công quyền, lực lượng vũ trang, hoặc các ngành nghề đòi hỏi tính bảo mật và độ tin cậy cao. Dù ngày nay đã có nhiều thay đổi, thông lệ này vẫn được duy trì trong nhiều mẫu sơ yếu lý lịch chuẩn.

Expert Tip:

Hiểu đúng về việc khai thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch để bạn có thể cung cấp thông tin và không cần lo rằng thông tin mình cung cấp ảnh hưởng đến đánh giá của nhà tuyển dụng về chuyên môn. Tất nhiên cũng cần đảm bảo việc đúng chính tả, ngữ pháp.

2. Vì sao nhà tuyển dụng yêu cầu thông tin Thành phần gia đình?

Không phải tất cả nhà tuyển dụng đều yêu cầu cung cấp thông tin thành phần gia đình. Bạn rất có thể sẽ thấy mục này khi điền thông tin vào Sơ yếu lý lịch, một phần của hồ sơ ứng tuyển vào:

  • Cơ quan Nhà nước (công chức, viên chức).
  • Doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước chi phối.
  • Lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội).
  • Tổ chức chính trị - xã hội.
  • Vị trí yêu cầu thẩm tra lý lịch nghiêm ngặt vì lý do an ninh hoặc tính chất công việc đặc thù.

Mục đích chính của việc yêu cầu thông tin này thường là để xác minh thông tin cá nhân và phục vụ công tác quản lý hồ sơ, lưu trữ thông tin theo quy định, hoặc đôi khi là một phần của quy trình kiểm tra an ninh sơ bộ.

Thông tin thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch mang tính tham khảo, nhà tuyển dụng thường không sử dụng thông tin này để đánh giá phẩm chất, năng lực của ứng viên. Trong môi trường tuyển dụng hiện nay, đặc biệt là ở khu vực tư nhân, năng lực và kinh nghiệm thực tế của ứng viên mới là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực là điều cần thiết khi được yêu cầu.

Mục đích chính của việc yêu cầu thông tin này thường là để xác minh thông tin cá nhân và phục vụ công tác quản lý hồ sơ, lưu trữ thông tin theo quy định, hoặc đôi khi là một phần của quy trình kiểm tra an ninh sơ bộ.

3. Thông tin cần liệt kê trong Thành phần gia đình

Khi điền mục thành phần gia đình trong sơ yếu lý lịch, bạn thường cần cung cấp các thông tin sau cho mỗi thành viên:

  • Mối quan hệ với ứng viên: Tùy theo mối quan hệ trên thực tế, ghi rõ là Bố, Mẹ, Anh trai, Chị gái, Em trai, Em gái, Vợ, Chồng, Con trai, Con gái.
  • Họ và tên đầy đủ: Ghi chính xác họ tên theo giấy tờ tùy thân.
  • Năm sinh: Ghi đầy đủ năm sinh, có thể có ngày tháng hoặc không, đa số mẫu Sơ yếu lý lịch không đề cập đến thông tin ngày tháng ở ô thông tin này.
  • Nghề nghiệp: Ghi rõ ràng nghề nghiệp hiện tại hoặc trước khi nghỉ hưu. Ví dụ: "Giáo viên về hưu", "Kỹ sư phần mềm", "Công nhân", "Nội trợ", "Sinh viên". Nếu có chức vụ và không gian ô điền thông tin cho phép, có thể ghi rõ thêm (ví dụ: "Trưởng phòng kinh doanh").
  • Nơi công tác hoặc Nơi ở hiện tại: Ghi tên cơ quan, công ty đang làm việc. Nếu đã nghỉ hưu, làm việc tự do, nội trợ hoặc không có việc làm ổn định, có thể ghi "đã nghỉ hưu", "làm việc tự do", "nội trợ" và ghi địa chỉ nơi ở hiện tại (thường là thôn/xóm/tổ/số nhà, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố).
  • Thông tin liên quan đến chính trị: Mục này thường chỉ yêu cầu trong các mẫu sơ yếu lý lịch tự thuật cho Đảng viên hoặc các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Nếu có, cần khai báo thông tin về việc tham gia Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội (nếu có). Nếu không có, có thể ghi "Không" hoặc bỏ trống nếu mẫu CV cho phép.

Lưu ý: Mức độ chi tiết cũng được nhà tuyển dụng chú ý. Thay vì ghi chung chung "Bố - Cán bộ", hãy ghi rõ "Bố - Chuyên viên phòng X, Sở Y tỉnh Z" hoặc "Bố - Phó giám đốc công ty ABC". Sự rõ ràng thể hiện tính cẩn thận, chú tâm và trung thực của bạn khi chuẩn bị hồ sơ tuyển dụng.

4. Lỗi thường gặp khi liệt kê Thành phần gia đình

Ngoài lỗi cơ bản như chính tả, ngữ pháp, khi điền thông tin cho mục thành phần gia đình xuất thân trong sơ yếu lý lịch còn có thể mắc số lỗi như dưới đây, ảnh hưởng đến chất lượng chung của hồ sơ ứng tuyển:

  • Không điền hoặc sai lệch thông tin: Bỏ trống hoặc điền sai thông tin (không khớp với giấy tờ kèm theo) là lỗi có thể dẫn đến việc hồ sơ bị loại.
  • Sử dụng định dạng ngày tháng không nhất quán: Mặc dù thường chỉ yêu cầu năm sinh, nếu có yêu cầu ngày tháng, hãy dùng một định dạng thống nhất.
  • Cung cấp quá ít thông tin: Đôi khi nhà tuyển dụng mong chờ nhiều hơn ở một số trường thông tin, ví dụ với thông nơi ở, nếu bạn chỉ điền Việt Nam thì sẽ được xem là quá chung, thiếu thông tin.
  • Cung cấp quá nhiều thông tin không cần thiết: Không cần kể lể chi tiết về cuộc sống cá nhân của người thân. Chỉ cung cấp thông tin theo yêu cầu của mẫu sơ yếu lý lịch, đặc biệt là chỉ điền trong không gian cho phép của chỗ trống.

5. Ví dụ về bảng cung cấp thông tin Thành phần gia đình

Dưới đây là cách cung cấp thông tin về các thành viên trong gia đình theo bảng có trong mẫu Sơ yếu lý lịch. Lưu ý, hình thức của Sơ yếu lý lịch có thể khác nhau, vì vậy nếu bạn gặp một bảng có các trường thông tin khác, chỉ cần căn cứ vào đó để điền.

Mối quan hệHọ tênNghề nghiệpNơi công tác / Nơi ở hiện nayGhi chú
BốNguyễn Văn A1960Giáo viên về hưuThôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh T
MẹTrần Thị B1965Nội trợThôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh T
Chị gáiNguyễn Thị C1990Kế toán trưởngCông ty Cổ phần Thực phẩm Hanofood, Số _ Đường _, Quận _, TP Hà Nội

6. Các trường hợp đặc biệt

Khi điền thông tin thành viên gia đình trong sơ yếu lý lịch, có những tình huống đặc biệt bạn nên biết để không bối rối:

  • Người thân đã mất: Bạn vẫn cần kê khai thông tin cơ bản (họ tên, năm sinh, mối quan hệ), nếu mẫu điền thông tin có cột Ghi chú, bạn có thể thêm "Đã mất".
  • Không rõ thông tin hoặc không liên lạc: Nếu bạn hoàn toàn không biết thông tin về một người thân nào đó, như vì ly tán lâu năm, hãy ghi rõ "Không rõ thông tin" hoặc trình bày ngắn gọn lý do (nếu cần thiết và phù hợp). Trung thực là yếu tố quan trọng.
  • Bố mẹ đã ly hôn: Khai thông tin của cả bố và mẹ như bình thường, bao gồm nghề nghiệp và nơi ở hiện tại của từng người.
  • Có yếu tố chính trị nhạy cảm: Nếu gia đình có người thân liên quan đến các vấn đề chính trị trong quá khứ hoặc hiện tại, như tham gia chế độ cũ trước năm 1975, có hoạt động chính trị đặc biệt, hãy khai báo trung thực, ngắn gọn theo đúng yêu cầu của mẫu sơ yếu lý lịch. Không tự ý bỏ qua hay cung cấp thông tin sai sự thật.

7. Điều Nên và Không nên khi điền thông tin Thành phần gia đình

Nên:

  • Tổng hợp thông tin và xác nhận lại với mỗi thành viên bạn sẽ điền vào sơ yếu lý lịch.
  • Chỉ dùng một định dạng ngày/tháng/năm nếu có điền thông tin ngày tháng.
  • Trình bày rõ ràng, sạch sẽ, không bôi xóa, gạch sửa.

Không nên:

  • Sai chính tả, ngữ pháp.
  • Viết tắt những chỗ không cần thiết và khi không gian vẫn cho phép viết đầy đủ.
  • Bỏ trống các mục quan trọng như năm sinh, nơi công tác.
  • Thêm thông tin không được yêu cầu (chính trị, quan điểm cá nhân không phù hợp).

Những lưu ý trên đây cũng có thể áp dụng cho mẫu Cover Letter.

Tự tin với bản Sơ yếu lý lịch với mục Thành phần gia đình hoàn chỉnh

Thành phần gia đình là gì trong Sơ yếu lý lịch, hẳn bạn đã hiểu rõ sau khi đọc bài viết này của chúng tôi. Mục này cũng có những lưu ý, điều nên, không nên như được nêu trong bài viết này. Với những thông tin và chia sẻ kinh nghiệm chi tiết như trên, chúng tôi hy vọng bạn có thể tự mình hoàn thiện Sơ yếu lý lịch của mình để, cùng với Cover Letter, tạo thành một hồ sơ ứng tuyển chất lượng, ưng ý.

Chia sẻ qua:
Nguyen Phuc Nguyen Le
Nguyen Phuc Nguyen Le
LinkedIn
Tác giả
As an HR writer who comes from legal background, Nguyen’s geared and inspired to provide jobseekers with precise, insightful guides and articles to help them prepare for the journey ahead.

Tạo ấn tượng bằng CV của bạn

Tạo và tải xuống một bản CV chuyên nghiệp thật dễ dàng và nhanh chóng.

Tạo CV